GẶP GỠ VÀ KẾT THÂN VỚI THIÊN CHÚA QUA KINH THÁNH

GẶP GỠ VÀ KẾT THÂN VỚI THIÊN CHÚA QUA KINH THÁNH

3339
0

Mình đến với buổi tĩnh tâm nhóm qua lời mời gọi của thầy trên facebook. Giữa những lo toan, bộn bề của những ngày cuối năm, thấy cần lắm một buổi được lắng lòng lại để sắp xếp mọi thứ, dọn dẹp tâm hồn, cũng như nhìn nhận lại bản thân và tìm về bình an với Chúa. Buổi tĩnh tâm diễn ra trong 1 ngày hơn, từ chiều thứ 7 đến chiều chủ nhật, với 4 lần gợi điểm – cầu nguyện song song là giờ đồng hành thiêng liêng, giờ nghỉ ngơi, ăn uống. Sau đó là giờ chia sẻ nhóm, giải tội và Thánh Lễ.

Với giờ cầu nguyện thứ nhất: Khao khát ở lại với Chúa (Mt 11, 28-30). Mỗi bạn được mời gọi nhìn lại cuộc sống mình, nhìn nhận xem đâu là nỗi vất vả, bận tâm nhất có phải là chuyện học hành, thi cử ? tình thân, tình bạn, hay tình yêu? hay là việc làm thêm để mưu sinh trang trải học hành hành và ngày sống?… Và với những nỗi lo âu, vất vả ấy, mình có can đảm mở lòng ra với Chúa không? Mình có nghĩ đến Ngài đầu tiên cho những lần khó khăn, vấp phải không? Mình có dành thời gian đủ nhiều để yêu mến và tìm hiểu lời Người không?

Đến với buổi cầu nguyện thứ hai: Sổ tay cuộc đời (Mt 25, 14-30). Mỗi người được mời gọi nhìn nhận lại 1 năm qua, mối tương quan của mình với Thiên Chúa, gia đình và tha nhân như thế nào ? Mình có sinh ích được những nén bạc Chúa trao cho mình để tôn vinh Chúa và phục vụ tha nhân không?

Vào giờ cầu nguyện thứ ba: Gặp gỡ Đức Giê su cuộc đời được biến đổi (Lc 19,1-10), mỗi người được mời gọi nhìn nhận những trở ngại ngăn bước mình đến gặp gỡ Chúa: là những lời rủ rê, là sự biếng nhác khi đến với thánh lễ, là sự bận rộn với những mối lo khác…? Từ đó, mình biết được giới hạn của bản thân và tìm cách vượt qua giới hạn như ông Da-kêu với khao khát tìm gặp Chúa. Thêm vào đó, mỗi người được mời gọi tự ngẫm lại những điều tốt lành Chúa gieo vào đời mình. Đó là cách Chúa tỏ bày cách kín đáo rằng Ngài vẫn luôn hiện diện bên ta, Ngài luôn đi bước trước để ngự vào cung lòng mỗi người với nguồn mạch tình yêu và bình an. Và bản thân mỗi con người mình, có nhìn nhận ra cách thức âm thầm Chúa xâm nhập vào đời mình để đón nhận bằng khao khát gặp gỡ và kết thân cùng Ngài không?

Và đến giờ cầu nguyện cuối: Về quê với Chúa (Lc 1, 39-56). Mình có được cơ hội lắng lòng lại, chuẩn bị hành trang về quê ăn Tết. Và nhờ giờ cầu nguyện, mà mình sẽ không quên mang Chúa về nhà mình, và rộng ra nữa, mình sẽ không quên mang Người đi bất cứ nơi đâu mà mình đến bằng việc san sẻ niềm vui, tình yêu, sự bình an và tinh thần phục vụ. Và gần gần nữa, Tết này về, nhất định mình sẽ vui vẻsiêng năng phụ bố mẹ chuẩn bị tết hơn nữa như tinh thần của Mẹ Maria, khi cưu mang Chúa nhưng Mẹ đã không quản ngại đường xá xa xôi mà tới với bà Elizabeth để ở lại phục vụ người chị em của mình. Mình sẽ cố gắng noi gương Mẹ, và không quên khao khát mời Chúa đến đồng hành cùng mình!

Qua 4 giờ cầu nguyện, thiệt ra thì tới lần cầu nguyện thứ ba, nhờ vào việc gặp gỡ thầy qua giờ đồng hành thiêng liêng mình mới nắm được tinh thần cầu nguyện qua Kinh Thánh thôi . Từ lúc đó, mình mới biết dựa vào Kinh Thánh, đọc, suy ngẫm, soi chiếu lại vào cuộc sống của mình để nhận ra những thiếu sót, những điều chưa toàn vẹn, hay ân ban của Chúa trong cuộc đời. Và từ đó, mình dâng những điều ấy lên cho Chúa, để Chúa chúc lành, an ủi hay chỉ đơn giản để cảm tạ Ngài. Và mình cầu xin Chúa ban ơn xuống để mình có thể can đảm, vững vàng biến những hạn chế, bất toàn của bản thân trở nên tốt đẹp và sinh ích hơn.

Chia sẻ thêm về giờ đồng hành thiêng liêng, trước đó với 2 giờ cầu nguyện đầu, mình chưa hiểu được cách thức cầu nguyện bằng Kinh Thánh, nên 2 giờ cầu nguyện ấy mình khá loay hoay với những suy nghĩ miên man trong đầu, đôi lúc thấy khô khan, đôi lúc thấy chán nản, đôi lúc muốn nghỉ thinh lặng với Chúa để mà đi ngủ (cười). Và rồi mình tìm tới thầy, chia sẻ khó khăn với thầy, nhờ trao đổi qua lại với thầy, mình hiểu được cách thức cầu nguyện như đã nêu trên. Và đó là lần cảm nghiệm đầu tiên của mình về cầu nguyện bằng Kinh Thánh đúng nghĩa. Và sau mỗi giờ cầu nguyện, mình dành khoảng 10-15′ xét ngẫm lại chất lượng của lần cầu nguyện đó, rằng mình đã đến gần với Chúa ở mức nào rồi, xa xôi tít tắp hay đã gần thiệt gần, và nguyên do cho mức độ thân thiết giữa mình và Chúa trong mỗi lần cầu nguyện đó là do đâu, mình có vấp phải những chia trí, lo ra nào không. Để với mỗi lần xét gẫm ấy, mình rút ra được kinh nghiệm, chất liệu, cho những lần cầu nguyện sau được tốt hơn!
Qua 4 lần cầu nguyện, mình vẫn thấy cầu nguyện thiệt khó. Thầy có chia sẻ với mình rằng, bước đầu cầu nguyện lúc nào cũng khó khăn, nhưng một điều mình tin rằng Chúa sẽ không phụ lòng cho những ai quảng đại và hy sinh. Từ đó, rồi từng bước, từng bước mình sẽ thấy tốt hơn trong đời sống cầu nguyện.

Kết thúc các giờ cầu nguyện, tụi mình bước vào giờ chia sẻ nhóm. Tụi mình chia thành các nhóm, với mỗi nhóm, từng bạn chia sẻ về cảm nghiệm mà mình có trong giờ tĩnh tâm. Hôm nay, mới thấy được tụi mình đã cố gắng rất nhiều, vì yếu tố tất yếu của cầu nguyện là giữ thinh lặng bên ngoài và bên trong. Còn tụi mình đang trong tuổi ăn tuổi nói mà còn được gặp bạn bè thì thiệt là hơi khó .

Qua các giờ cầu nguyện và đồng hành thiêng liêng, mình ý thức về tội lỗi của bản thân, về sự bất toàn trong tương quan của mình với những người thân yêu, vì thế, mình tìm đến giờ giải tội và mong được biến đổi thành con người mới, trong sạch và thánh thiện hơn. Với những xưng thú đơn sơ chân thành mình được Cha giải gỡ những vướng mắc trong lòng. Sau đó, mình cảm thấy thanh thản và thoải mái hơn rất nhiều trong tâm hồn mình một cảm giác bình an. Những bồn bề ngổn ngang trong tâm hồn mình giờ đây được sắp xếp lại dọn dẹp sạch sẽ. Mình có thể mời Chúa đến ngự lại trong cõi lòng bé nhỏ của mình.

Với niềm vui và ơn được giao hòa với Chúa, mình đến Thánh lễ với tâm tình sốt sắng, trang nghiêm hơn. Qua bài giảng của Cha, Chúa mời gọi mỗi người thực hiện chức năng Ngôn sứ của một người Kito Hữu, bằng việc đọc Lời Chúa, nhớ Lời Chúa, sống Lời Chúa và lan truyền Lời Chúa. Và để làm tốt chức năng trên, cha nhắc nhớ mỗi người cần phải ý thức và luôn nhớ rằng, hãy là một người Kito hữu trong từng ơn gọi. Hãy là một sinh viên Kitô hữu, một công dân Kitô hữu, một người vợ/người chồng Kitô hữu, một người bạn Kitô hữu hay là một người yêu Kitô hữu,…

Kết thúc buổi lễ, chúng mình chụp chung với cha một tấm hình. Rồi cảm ơn cha giám đốc nhà tĩnh tâm Biển Đức Thiên Phước, cảm ơn ngài vì đã tạo điều kiện cho tụi mình có một buổi tĩnh tâm thiệt sốt sắng và đầy đủ tiện nghi. Cha cũng cảm ơn 2 thầy đồng hành, vì đã xây dựng một chương trình tĩnh tâm thiệt có ích cho sinh viên, và động viên sinh viên tụi mình, là lớp trẻ của tri thức, mang tình yêu, sự hiến thân, phục vụ để xây dựng cuộc đời.

Kết lại buổi tĩnh tâm, mình trở lại cuộc sống thường ngày và hi vọng qua buổi tĩnh tâm này, mình sẽ có thêm nhiều ý chí để trở thành một con người thiệt tốt, và là một Kitô hữu nhiệt thành luôn cố lắng nghe Lời Chúa hằng ngày để hiểu ý Ngài muốn trong cuộc đời mình.

Tác giả bài viết Tăng Anh

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN