2185368Vào những buổi chiều hè, lũ trẻ chúng tôi vui tươi ngồi trên lưng trâu cùng ngân nga điệu sáo làng quê quen thuộc…

Để có được một cây sáo, chúng tôi chặt cây nứa khô về cho nội. Nội cắt cây nứa ra từng khúc rồi khoét khoét những lỗ tròn tròn trên thân những khúc nứa. Sau đó, nội dạy chúng tôi phì phò những nốt đồ, rê, mi, són… rồi cuối cùng cũng ngân nga được bản nhạc làng quê quên quen thuộc.

Nếu như cây nứa khô ấy không được nội cắt ra và khoét lỗ thì một mai nó sẽ được người ta đem về nhóm bếp và bị đốt thành tro, nó sẽ không bao giờ trở thành những cây sáo.

Trong cuộc sống, người ta thường để ý đến những gì mình có, hay là cố gắng lấp đầy cho bản thân mình và gia đình mình. Thế nên, cuộc sống ngày càng trở nên đơn điệu và tẻ nhạt. Vì họ không dám buông tay ra để che lấy, để phủ lấp những cái thiếu thốn những cái khuyết nơi người khác. Sự thật, một khi đưa tay ra cho người khác thì sẽ để lại một chỗ trống nơi mình.

Thế nhưng, nếu người ta dám đưa tay ra che lấy chỗ thiếu thốn nơi người khác, và dám để lộ khoảng trống nơi mình, thì chắc hẳn cuộc sống này sẽ tạo nên một khúc nhạc du dương, một bản tình ca kết nối nhân loại trong tình yêu thương và chia sẻ. Như vậy, một bản nhạc cuộc đời cũng sẽ được tấu lên như bản nhạc làng quê du dương quen thuộc mà chúng tôi đã tấu trong những buổi chiều hè. Bản nhạc làng quê ấy, nó du dương bởi những đầu ngón tay đóng mở những lỗ trên thân cây sáo. Để bản nhạc được tấu lên thì chúng tôi phải mở lỗ này, bịt kín lỗ kia, chứ không thể đóng hết hay mở hết các lỗ rồi giữ mãi như vậy.

Ước mong sao mỗi người dám đưa tay ra để hở một khoảng trống nơi mình và che lấp khoảng trống nơi người khác, để bài tình ca cuộc đời được tấu lên.

– Muối Biển –

Nguồn: dongten.net

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN