Chắc hẳn hôm nay, ai trong chúng ta cũng đã bài trí xong một hang đá Belem, với những nhân vật đã viết lên lịch sử cứu độ như thánh Giuse, Chúa Hài Đồng Giêsu và Đức Maria, cho gia đình của mình. Vâng, đó là một truyền thống đẹp. Thế còn, hang-đá-tâm-hồn của chúng ta, ta sẽ bài trí những gì? Phải chăng là tâm tình “yêu thương và phục vụ”? Câu trả lời tùy thuộc mỗi chúng ta.
Chúa Nhật IV – MV – C
Tôi thật có phúc!
Lịch Phụng Vụ hôm nay (20/12/2015) bước vào Chúa Nhật thứ tư Mùa Vọng. Bầu không khí của Lễ Giáng Sinh mỗi ngày một thêm rộn ràng. Thật vậy, nơi các xóm đạo như: Bình An, Bình An Thượng, Nam Hòa, Nghĩa Hòa v.v… những nơi đây, như một truyền thống đẹp, hễ đến lễ Giáng Sinh, nhà nhà, người người làm hang đá, làm hang đá trong tư thất chưa đủ, họ còn làm hang đá suốt dọc hai bên đường.
Ngoài những hang đá, những gì có liên quan đến Giáng Sinh đều được đem ra trưng bày, như cây thông Noel, như hình nhân người tuyết và đặc biệt là hình ảnh “ông già Noel”.
Ông già Noel là ai? Thưa, theo truyền thống cho rằng, ông già Noel được nói đến trong dịp lễ Giáng Sinh chính là hiện thân của thánh Nicola, một vị thánh được Giáo Hội Công Giáo kính nhớ vào ngày 6 tháng 12 hằng năm. Ngài là giám mục tại Myra, một hải cảng trong vùng Lycea của Tiểu Á (ngày nay là Demre, Thổ Nhĩ Kỳ).
Thánh Nicôla là một người biết thương người nghèo và dành cả đời mình để phục vụ Thiên Chúa. Ngài còn được ca tụng là người rất yêu thương trẻ em. Luôn luôn mang quà đến cho trẻ em vào các dịp lễ Giáng Sinh.
Là vậy, nhưng, thánh Nicola không thể chiếm chỗ của một người trong dịp lễ Giáng Sinh, hay nói đúng hơn, tình yêu thương cũng như sự phục vụ của ngài không thể sánh bằng một người. Người đó chính là Đức Maria.
Thật vậy, Tin Mừng thánh Luca với trình thuật “Đức Maria viếng thăm bà Elizabeth” đã mô tả rõ nét một Maria như là mẫu mực cho “tình yêu và sự phục vụ”.
Vâng, khi được sứ thần Gabriel loan báo “bà Êlisabeth tuy đã già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai, bà ấy vẫn mang tiếng là hiếm muộn mà nay đã có thai”, Đức Maria đã vội vã lên đường viếng thăm bà Êlisabeth.
Đừng nghĩ rằng đây là một cuộc viếng thăm bình thường. Trái lại, đó là một cuộc viếng thăm của tất cả nỗi lòng yêu thương, một sự yêu thương quên mình, quên ngay hoàn cảnh của mình cũng vừa “thai nghén”, Đức Maria đã không “ngại núi e sông”.
Đi thăm bà chị họ, Đức Maria muốn nói rằng, tình yêu thương phải được biểu lộ cụ thể qua sự phục vụ, sự phục vụ mà sau này chính con của Mẹ đã đem ra làm bài học cho người môn đệ của mình, rằng “Con người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ” (Mc 10, 45).
Đến là để phục vụ. Chuyện kể rằng, Đức Maria đã ở lại với bà Êlisabeth “độ ba tháng” rồi mới trở về nhà mình. Vâng, một cuộc viếng thăm như thế, ai dám phủ nhận, Đức Maria đã để lại cho chúng ta một tấm gương mẫu mực về “tình yêu và sự phục vụ”!
Tưởng chúng ta cũng cần biết, Thánh Nicôla, theo truyền thống, ngoài việc được gọi là “Ông già Noel”, ngài còn được gọi bằng một cái tên là “Thánh Ních vui vẻ”. Vâng, quả là thật vui vẻ khi chân dung Ngài được nhìn qua biểu tượng ông già Noel với trang phục đỏ thắm, dí dỏm với chùm râu bạc, ngồi chễm chệ trên chiếc xe trượt tuyết, có bảy con tuần lộc kéo, với một lô quà đem phát tặng cho trẻ em.
Thế nhưng, ngày nay, thật đáng tiếc “Ông già Noel” ngày càng bị xã hội thương mại hóa, “trần tục hóa” làm hoen ố tấm gương quảng đại của vị giám mục Nicola thánh thiện.
Vâng, có buồn không chứ! Ngày nay “thánh Ních” lại bị người ta cho đứng trước vũ trường, quán bar, nhà hàng vẫy tay mời gọi khách qua đường. Có buồn không chứ! Ngày nay, “thánh Ních” cưỡi Honda, chỉ đến với trẻ em nhà giàu với túi quà nặng trĩu.
Chính vì thế, chúng ta phải có bổn phận tái hiện lại hình ảnh một “thánh Ních” thánh thiện và quảng đại.
Tái hiện bằng cách nào? Thưa, bằng cách, hãy mặc lấy tâm tình của Đức Maria, một tâm tình yêu thương và phục vụ, sẵn sàng vội vã lên đường. Lên đường đến những nơi cần chúng ta đến, như: cô nhi viện, viện dưỡng lão, bệnh viện v.v…
Hãy thử tưởng tượng! Nếu… nếu chúng ta cùng có một tâm tình của Đức Maria, một tâm tình yêu thương và phục vụ, sẵn sàng vội vã lên đường, đến với những trẻ thơ bất hạnh, đến với những thai nhi vô thừa nhận… điều gì sẽ xảy ra? Thưa, có phần chắc, chúng ta sẽ lại được nghe tiếng thai nhi “trong bụng nhảy mừng”. Có phần chắc, chúng ta sẽ được nhìn thấy nhiều trẻ thơ “nhảy lên vui sướng”.
Hãy thử nghĩ xem! Nếu… nếu chúng ta sẵn sàng vội vã lên đường, đến với những bà Êlisabeth-già-nua không nơi nương tựa… những Êlisabeth đang “ẩn-mình-chờ-chết” trên giường bệnh vì không có tiền thuốc thang… những Êlisabeth bị bỏ rơi với đàn con nhếch nhác v.v… điều gì sẽ xảy ra? Thưa, có phần chắc, chúng ta sẽ được nghe nhiều lời chúc phúc. Có phần chắc, chúng ta sẽ được những bà Elizabeth-của-thời-đại-hôm-nay lớn tiếng kêu lên “Bởi đâu tôi được (bạn) tôi đến với tôi thế này!”…
Chắc hẳn hôm nay, ai trong chúng ta cũng đã bài trí xong một hang đá Belem, với những nhân vật đã viết lên lịch sử cứu độ như thánh Giuse, Chúa Hài Đồng Giêsu và Đức Maria, cho gia đình của mình.
Vâng, đó là một truyền thống đẹp. Thế còn, hang-đá-tâm-hồn của chúng ta, ta sẽ bài trí những gì? Phải chăng là tâm tình “yêu thương và phục vụ”? Câu trả lời tùy thuộc mỗi chúng ta.
Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, sống yêu thương và phục vụ, Kinh Thánh cho biết: “vì nhờ những việc như thế mà con sẽ được mến yêu” (x.Hc 7, 35).
Ai sẽ mến yêu chúng ta? Thưa, không chỉ mọi người mà còn chính Chúa, chính Chúa Giê-su, vào ngày trở lại trong vính quang, Ngài sẽ nói với ta rằng: “Con thật có phúc”.
Petrus.tran