Ba vị Tổng lãnh Thiên Thần

1. Thiên Thần Mi-ca-e được Thiên Chúa sai đi chiến đấu chống lại quỷ dữ, chống lại sự dữ (Sách Daniel 12, 1; Thư Giuda 9; Khải Huyền 12,7-9).  Thiên Thần Mi-ca-e đã làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ cho nước Chúa chống sa tan sự dữ.  Vì thế vị Thiên Thần này được gọi là Tổng lãnh Thiên Thần Mi-ca-e: Quis ut Deus – Ai bằng Thiên Chúa?

Vị Sứ Giả này sát cánh bên cạnh tâm hồn những người tín hữu tin nhận Thiên Chúa là Cha đời mình, trợ lực chống lại sa tan quỷ dữ sự xấu lấn át, chiếm ngự tâm hồn họ.  Vị Sứ Giả này mang đến sứ điệp: Nếu Thiên Chúa ngự trong tâm hồn con người, họ sẽ nhận ra giá trị cao đẹp đời mình và vẻ đẹp cùng phẩm giá đời sống người khác.

2. Sách Tobia 11, 1-15 thuật lại Thiên Thần Raphael được Thiên Chúa gửi đến  cùng đồng hành hướng dẫn bảo vệ Tobia trong cuộc hành trình dài khó khăn và sau cùng đã chữa cho cha của Tobia được sáng mắt, khỏi bị mù lòa đã lâu ngày.

Thiên Thần Raphael là vị Sứ Giả chữa lành vết thương.  Thiên Chúa gửi vị Sứ Giả này đến bảo vệ con mắt, tai và chân tay để con người có cuộc sống khoẻ mạnh bằng an cùng hưởng niềm vui và chia sẻ với người khác niềm vui hạnh phúc trong cuộc sống.

3. Vị Thiên Thần quen thuộc với mọi người tín hữu hơn hết là Thiên Thần Gabriel.  Vị Sứ Giả này xưa kia đã được sai tới báo tin cho Ông Zacharia: Lời cầu xin của Ông đã được Thiên Chúa nhậm lời. Ông bà sẽ có con.  Con ông là Thánh Gioan Tẩy Giả (Lc 1, 5-23) và cho Đức Mẹ Maria:  Chúa Giêsu, con Thiên Chúa, Đấng cứu độ trần gian khỏi vòng liên luỵ của tội lỗi, xuống thế làm người trong lòng Đức Mẹ.  (Lc 1, 26-38)

Thiên Thần Gabriel là vị Sứ Giả không chỉ loan tin Chúa Giêsu xuống trần gian, nhưng còn loan báo mầu nhiệm sự sống nơi mỗi người: Cha mẹ không phải là người chế tạo làm ra sự sống của con cái mình, nhưng họ đã đón nhận sự sống đó từ Thiên Chúa, Đấng là nguồn, là chủ sự sống.  Và mỗi người là hình ảnh của Ngài.

Văn hào Rabindranath Tagore diễn tả niềm tin của mình: “Tôi tin là có một bàn tay vô hình, mà tôi gọi là Thiên Thần.  Bàn tay vô hình này hướng dẫn ta, như một con ốc ở sườn con thuyền giữ cho những tấm ván thuyền gắn chặt vào nhau, để nước không rỉ tràn vào thuyền.”

Thiên Chúa gửi Thiên Thần như Sứ Giả đến đồng hành bảo vệ hồn xác con người trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong những khi không ngờ tới.  Bàn tay vô hình này can thiệp giúp hồi sinh cuộc sống.

Tổng lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel, Raphael, Phải chăng Thiên Chúa quá bất công?

Trong Kinh Thánh ít đoạn nói đến tên cùng số luợng các Tổng lãnh Thiên Thần.

Trong thư của Thánh Phaolô gửi Giáo đoàn Thessalonika (1 Thess 4, 14-16) chỉ nói đến Tổng lãnh Thiên Thần cách tổng quát không nêu tên.  Trong thư của Thánh Giuda câu thứ chín nói đến tên tổng lãnh Thiên Thần Michael.  Trong khi trong sách Daniel (10, 13) nói đến tên Tổng lãnh Thiên Thần Michael là một trong những sứ thần của Thiên Chúa.  Tên Gabriel và Raphael trong các sách Kinh Thánh chỉ là Thiên Thần thôi.

Tổng Lãnh Thiên Thần là ai và nhiệm vụ của họ là gì đối với niềm tin đạo giáo của chúng ta?

Tổng lãnh Thiên Thần là người giữ vai trò trung gian giữa Thiên Chúa và con người về bằng an hạnh phúc.  Chữ Tổng lãnh theo nguyên ngữ từ tiếng Hy-lạp arche` có nghĩa là “Nguyên thủy, khởi đầu.”

Về con số và tên của Tổng lãnh Thiên Thần, dựa theo những tường thuật trong kinh thánh là con số bảy (7).  Trong sách Tobit (12, 15) Raphael là một trong bảy Thiên Thần đứng chầu trước mặt Thiên Chúa.  Trong sách Da-ca-ria (Sacharja 4, 10) nói đến bảy ngọn đèn của Thiên Chúa soi sáng trần gian. Trong sách Khải Huyền của Thánh Gioan trình thuật về những điều Ông được Thiên Chúa cho thấy cảnh trên trời, cũng nói đến Bảy Sứ thần của Thiên Chúa đứng trước ngai ngày đêm ( Kh1, 4; 5.6, 8, 2)

Trong truyền thống đạo Công giáo thường chỉ hay nói đến Tổng lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel và Raphael. Nhưng trong những áng văn không phải kinh thánh của người Do Thái, ngoài bảy Tổng lãnh Thiên Thần, còn nói đến thêm bốn nữa.  Trong những đoạn văn chương của sách Henoch nói về tổng lãnh Thiên Thần và Thiên Thần có kể ra tên: Michael, Gabriel, Raphael, Uriel, Raguel, Sarakiel và Phanuel.

Lời Chúa: Ga 1, 47-51

47 Đức Giê-su thấy ông Na-tha-na-en tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối.”48 Ông Na-tha-na-en hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi? ” Đức Giê-su trả lời: “Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.”49 Ông Na-tha-na-en nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en! “50Đức Giê-su đáp: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.”51 Người lại nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”

Suy niệm:

Trong kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa,
Đấng dựng nên muôn vật hữu hình cùng vô hình.
Các thụ tạo vô hình ở đây chính là chư vị thiên thần.
Chư vị này sống gần bên Thiên Chúa để phục vụ Ngài và nhân loại.

Hơn nữa, các thiên thần là những người đã phục vụ Đức Giêsu Kitô,
từ khi Ngài chào đời đến khi Ngài quang lâm.
Sứ thần Gabrien được Thiên Chúa sai đến với trinh nữ Maria
để loan báo về sự hạ sinh của Đấng Cứu Độ (Lc 1, 26).
Ta nghe tiếng ngợi khen của muôn vàn thiên binh cùng với sứ thần
trong đêm Con Thiên Chúa giáng sinh trên trái đất (Lc 2, 13).
Ta cũng thấy các thiên thần hiện ra để phục vụ Đức Giêsu (Mt 4, 11),
sau khi Ngài chiến thắng những cám dỗ của quỷ dữ nơi hoang địa.
Khi Đức Giêsu bị xao xuyến trước cái chết sắp đến,
một thiên thần từ trời đã đến tăng sức cho Ngài (Lc 22, 43).
Ngài đã không tránh né cái chết
bằng cách xin Cha cấp cho mình mười hai đạo binh thiên thần (Mt 26, 53).
Tin Vui Phục sinh được loan báo bởi các thiên thần từ mộ trống (Lc 24, 6).
Vào ngày tận thế, các thiên thần của Đức Giêsu sẽ đi theo Ngài
khi Ngài trở lại trong vinh quang để phán xét cả thế giới (Mt 16, 27).
Đức Giêsu nay ngự bên hữu Thiên Chúa trên trời,
trổi vượt trên các thiên thần và được các thiên thần thờ lạy (Dt 1, 4. 6).

Câu cuối của bài Tin Mừng hôm nay
cũng nói đến tương quan giữa Đức Giêsu và các thiên thần.
Trong lần gặp gỡ với Nathanaen và các bạn của ông
Đức Giêsu đã long trọng hứa là họ sẽ thấy trời rộng mở,
và “các thiên thần lên lên xuống xuống trên Con Người” (c. 51).
Trong một giấc mộng, Giacóp đã chiêm bao thấy
“một chiếc thang dựng dưới đất, đầu thang chạm tới trời,
trên đó có các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống” (St 28, 12).
Đức Giêsu nhận mình chính là chiếc thang đó, là Đấng Trung Gian
nối đất với trời, nối Thiên Chúa với nhân loại.
Các thiên thần cũng phải qua Ngài mà đến phục vụ con người.
Các thiên thần cũng là những đấng trung gian được sai đi,
nhưng họ phải qua Đấng Trung Gian duy nhất và đích thực,
vì Đấng đó vừa trọn vẹn là người, vừa trọn vẹn là Thiên Chúa.

Lên lên xuống xuống trên thang Giêsu là việc của các thiên thần.
Lên với Thiên Chúa để dâng cho Ngài nỗi thống khổ của nhân loại.
Xuống với nhân loại để mang cho họ ân lộc và sứ điệp từ trời.
Thiên thần vừa gần với con người, vừa gần với Thiên Chúa,
vừa tựa trên đất, vừa đụng tới trời, nên kéo trời xuống đất và đưa đất lên trời.
Xin được quyền năng của Sứ thần Micae: Ai bằng Thiên Chúa.
Xin được sức mạnh của Sứ thần Gabrien: Thiên Chúa hùng dũng.
Xin được ơn lành mạnh của Sứ thần Raphaen: Thiên Chúa chữa lành.
Kitô hữu là người hạnh phúc vì biết mình được nâng đỡ chở che.

Cầu nguyện:

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi là Đấng con tôn thờ,
xin giúp con quên mình hoàn toàn
để ở lại trong Chúa.
lặng lẽ và an bình
như thể hồn con đã sống trong vĩnh cửu.

Lạy Đấng thường hằng bất biến,
mong sao không gì có thể khuấy động
sự bình an của con,
hay làm cho con ra khỏi Chúa ;
nhưng ước chi mỗi phút lại đưa con
tiến xa hơn vào chiều sâu của mầu nhiệm Chúa !

Xin làm cho hồn con bình an thanh thản,
xin biến hồn con thành chốn trời cao,
thành nơi cư ngụ dấu yêu của Chúa,
nơi Chúa nghỉ ngơi.

Ước chi
con không bao giờ để Chúa ở đó một mình
nhưng con luôn có mặt, với trọn cả con người,
với thái độ nhạy bén trong đức tin,
cung kính tôn thờ
và phó mình cho Chúa sáng tạo.

(Lời nguyện của chân phước Elisabeth de Trinité)

– Sưu tầm –

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN