Lời ca khen của các thiên thần, luôn vang lên mỗi khi Giáng Sinh về:

Vinh danh Thiên Chúa trên trời
Bình an dưới thế cho người …

Các thiên thần nối kết vinh quang của Thiên Chúa “trên trời cao” với niềm vui của con người “dưới đất thấp”. Còn… bình an dưới thế cho người thiện tâm hay chongười Chúa thương?

Người thiện tâm

Đây là cách dịch rất quen thuộc của bản văn tiếng Latinh. Nhiều người thời nay không thích cách dịch này. Lý do là, khi nói “người thiện tâm” thì chỉ tập trung vào khía cạnh đạo đức, tức là cái thiện, mà quên mất vinh quang Thiên Chúa tạo nên niềm vui đích thực của tất cả chân thiện mỹ, chứ không phải chỉ có thiện mà thôi.

Người Chúa thương

Lối dịch này tựa như cách dịch của Hội Đồng Giám Mục Đức, Ý, cũng như bản dịch của cha Nguyễn Thế Thuấn hay của nhóm Phụng Vụ Giờ Kinh tại Việt Nam. Tuy nhiên, người ta đặt ngay câu hỏi: ai là người được Thiên Chúa yêu thương? Chẳng lẽ Thiên Chúa không yêu thương mọi người? Chẳng lẽ có người mà Chúa không thương yêu?

Thánh Luca thuật lại: khi Thầy Giêsu cầu nguyện, trời mở ra và có tiếng nói từ trời: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra con. Con người nhận được lòng ưu ái của Thiên Chúa chính là Thầy Giêsu. Người được Thiên Chúa yêu thương chính là người nên giống Chúa Con.

Người thiện tâm hay Người Chúa thương

Nếu quá nhấn mạnh vào “Chúa thương” thì ai Chúa mà chẳng thương, là nhấn mạnh vào hoạt động tuyệt đối của Thiên Chúa, đến độ tất cả điều lệ thuộc hoàn toàn vào sự quan phòng của Ngài. Nếu thế, Chúa khác gì cái máy tự động, còn con người khác gì con rối!

Nếu quá nhấn mạnh vào “thiện tâm”, thì có thể dẫn tới thái cực rằng, tất cả được quyết định do sự tốt lành của con người. Nếu thế, Thiên Chúa chỉ còn là những định luật tuân theo ý định của con người, còn con người thì tự động tạo nên vận mệnh của mình do tâm của mình!

Thế nhưng, Kinh Thánh cho thấy cả hai thái cực ấy đều không đúng. Ơn sủng của Thiên Chúa và tự do của con người hòa quyện vào nhau. Chúng ta không thể giải thích sự hòa hợp này bằng những công thức rạch ròi. Thực sự, chúng ta không thể nào yêu, nếu trước đó chúng ta chưa được Thiên Chúa yêu thương. Ơn sủng của Thiên Chúa luôn đi bước trước, ôm lấy chúng ta và nâng đỡ chúng ta. Cũng đúng, khi nói con người được mời gọi chia sẻ tình yêu này. Con người có thể yêu thương với thiện tâm và cũng có thể từ chối tình yêu.

Quả là, ngôn ngữ thật giới hạn. Cầu chúc mỗi người đều có thiện tâm như Giêsu, đều được Thiên Chúa thương mến như Giêsu, để tình người Tình Trời giao duyên, để dưới thế ngập tràn bình an.

Vinhsơn Vũ Tứ Quyết, S.J.

Sách tham khảo: Joseph Ratzinger (ĐGH Bênêđictô XVI), Đức Giêsu thành Nazaret, (Phần III: Thời thơ ấu của Đức Giêsu), người dịch: Aug. Nguyễn Văn Trinh, (Nxb Tôn Giáo 2013), trang 106-109.

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN