CHO MỘT ÍT MÀ LỜI NHIỀU QUÁ!
Đôi lúc tôi thầm nghỉ cuộc sống thật êm đềm và nhẹ nhàng, cuộc sống của tôi không trôi không nổi, chỉ bồng bềnh như bèo dạt trôi trên dòng sông êm ả. Đôi lúc tôi cảm thấy hơi chán nản với chính cuộc sống của tôi, vì êm đềm quá, sung túc quá mà tôi đã rất bỏ phí đi cái mình đang có, và không biết trân trọng nó.
Bất chợt vào một buổi sáng cuối tuần nọ, tôi đã loay hoay cùng đồng bọn là tốp SVCG- SPKT đi xuống tình Đồng Nai để đi đến một xã nhỏ đã bị bỏ quên bởi những người có trách nhiệm với đất nước. Một thôn quê mà mỗi lần nước sông dâng cao là người dân lại cùng nhau sách đồ, sách đạc tìm lên vùng cao hơn để tá túc. Và trong thời gian hiện tại thôn quê đó đang tá túc ở một vùng cao hơn mực nước sông lên, mọi người bắt đầu xây dựng và sinh hoạt nơi đây. Chính vì sự thế đó mà nơi đây người dân đã đặt tên cho vùng đất họ đang tá túc là Khu Dưng. Dưng đây là từ Dâng, vì tiếng địa phương mà họ gọi là Dưng. Dưng thể hiện hay còn gợi cho họ một tinh thần vượt khó mọi nghịch cảnh của thiên nhiên.
Bọn tôi xuống cũng không phải dễ dàng gì? Đủ loại phương tiện để có thể đèo chúng tôi đến vùng đó. Vượt qua đủ loại địa hình, cuối cùng cũng đến Khu xóm nhỏ ấy. Khi đến trời cũng không thương chúng tôi lắm, hết nắng cháy da lại đến mưa rượt đuổi, không làm cách nào để vừa lòng trời. Đủ mọi khó khăn nhưng đâu có làm khó chúng tôi, trời nắng chúng tôi tổ chức kiểu trời nắng, trời mưa chúng tôi tổ chức kiểu trời mưa. Ông bà ta có câu ca dao rất hay “Cái khó thì nó mới ló cái khôn”, có e ngại hay không là do sức trẻ và lòng hăng say của chúng tôi không đủ thôi. Cũng giống như những người dân Khu xóm ấy, trời cho nắng thì họ xây dựng làm ăn và sinh sống, trời cho mưa- nước lũ dâng cao thì họ tìm cách đến nơi khác sinh sống. Dù có nghịch cảnh có sát tới chân, họ vẫn sống vui và vẫn hòa hợp với thiên nhiên đất trời. Chúng tôi đến với khu xóm ấy không chỉ mang niềm vui cho những trẻ em ở đó, mà còn được học hỏi tinh thần vượt khó của họ và sự lạc quan yêu đời của họ. Chuyến đi này đối với chúng tôi không bao giờ là lỗ mà còn lời rất nhiều, lời sự cho đi, lời khi được học hỏi, lời khi nhận lại nụ cười vô tư của trẻ thơ… Sự cho đi của chúng tôi thì ít nhưng nhận lại lời là quá sức.
Những nụ cười vô tư của tuổi trẻ đã làm cho những sinh viên như chúng tôi cảm thấy yêu đời biết bao, nhiều đứa trẻ trong khu xóm không mang dáng dấp như những đứa trẻ ở thành phố, là sự trắng nỏn, múm míp. Mà ở đây nhiều trẻ em có thể nói là sự còi cọt, nhỏ nhắn và đen đuốc. Tính qua tính lại là khoảng hơn 300 em nhỏ không phân biệt dân tộc, cũng không phân biệt tôn giáo thôi mà chỉ chiếm được một khoảng đất nhỏ để tổ chức. Tuy con người các em nhỏ nhưng nụ cười của em lại làm sáng tâm hồn chúng tôi biết bao, nụ cười của sự hạnh phúc khi nhận được quà từ những trò chơi trung thu, nụ cười của sự ngạc nhiên khi thấy chị Hằng, chú Cuội, Ông địa … Nụ cười ấy tiếp thêm cho những sinh viên chúng tôi thêm sức mạnh để cố gắng hoàn thành một đêm Trăng Rằm đẹp nhất cho tuổi thơ các em. Nụ cười của các em cũng làm cho chúng tôi nể phục, các em chỉ biết đến tối hôm nay vui quá, và tận hưởng được niềm vui ấy bằng một tinh thần thật trọn vẹn. Dù cuộc sống này không biết rằng nước lũ của dòng sông ấy có mò tới nữa hay không thì các em vẫn mặc kệ. Cuộc sống có khắc nghiệt thì cũng để sau, hãy tận hưởng những giây phút hiện tại này thôi.
Cám ơn Chúa thật nhiều vì đã chúng con có cơ hội được cho đi một ít trong đời mình. Cám ơn Chúa đã cho chúng con thể hiện một chút tình yêu thương để sẻ chia cho anh em con. Amen.
Nguyệt Anh ( bút danh)