Một ly cafe bạn thường uống bao nhiêu tiền? Một món đồ đắt nhất bạn bỏ bao nhiêu tiền để mua? Mình không biết nhưng chắc chắn nó không thể nào bằng một bát cơm chan mì nghiền của một em bé Bna, Ede, Xơ đăng…, không thể nào đắt bằng 300 bát cơm chan mì của 300 em bé mẫu giáo và tiểu học hàng ngày đều đặn ăn trưa ở đây! Chắc chắn đấy! Nó đắt giá gấp trăm ngàn lần vì nó được nấu bởi mì, gạo do các Sơ và các Cha dụm dành, nó được nấu từ bàn tay bé nhỏ của những em bé lớn hơn, các bé học lớp 9, lớp 10 hay cả những bé mới 6-7 tuổi ở đây! Nó đắt giá bởi không phải ai cũng có thể nấu 300 suất ăn như thế đều đặn 7 ngày trong tuần, 30 ngày trong tháng và 365 ngày trong năm… Nó đắt giá bởi nó chứa đựng sự hi sinh của các Sơ, các Cha và sự biết điều của những em bé lớn hơn nhưng đồng cảnh ngộ! Mình đến thăm một vài trường nội trú dành cho con em đồng bào ít người ở Kontum cùng Cha vào những ngày cuối tháng 3… Để ngày ngồi lên máy bay quay về Sài Gòn, mình đã suy nghĩ rất nhiều. Mình đã xấu hổ muốn nghẹn lòng vì những năm tháng sống ích kỉ và nhỏ nhen… Mình đã thay đổi rất nhiều nhờ các em, nhờ các sơ, nhờ Cha và nhờ bát cơm chan mì nghiền ấy! Trời Kontum nắng bỏng da, gió Lào thốc khô môi đã khiến mình õng ẹo muốn về ngay Sài Gòn hoa lệ. Nhưng rồi nhờ đôi mắt sắc, cặp lông mày cháy lửa của các em mà mình ở lại… Trường nội trú có 50 em đến từ đủ các dân tộc trên mảnh đất nắng gió này. Các em là con thứ 10, 12 thậm chí 13 hoặc chị cả của 5-6 đứa em khác trong các gia đình sau điệp trùng đồi trọc, các em là một trong những “tay” đào măng cừ khôi của cha mẹ…và đều mơ ước được đến trường như các bạn người Kinh. Các em được các Sơ “mang” ra khi còn là những đứa trẻ nhút nhát, gặp người lạ là chạy đi trốn rất nhanh, khi nói tiếng Kinh chưa rõ và chỉ biết ngượng ngùng đến chín đỏ hai má khi ai đó nhắc tới tên mình. Vậy mà giờ các em đứng trước tôi tự tin hát vang lên: “Tìm một con đường tìm một lối đi ngày qua ngày đời nhiều vấn nghi lạc loài niềm tin sống không ngày mai sống quen không ai cần ai cứ vui cho trọn hôm nay…” Các em đã có thể biết thức dậy từ 4h sáng nấu sữa đậu nành để 300 em nhỏ tới uống trước khi đến trường, biết bẻ mì, xắt bí đỏ, vò gạo để sẵn chuẩn bị cho bữa trưa… Các em biết đi học về trước khi chuẩn bị bữa trưa cho mình sẽ dọn bữa trưa cho các em nhỏ, rửa chén sạch sẽ cho các em rồi mới bắt đầu ăn trưa và học bài. Các em thua thiệt hơn trẻ em thành phố là một hai ly sữa tươi mỗi ngày, là ba mẹ ở bên cạnh chăm từng bữa ăn giấc ngủ, là cặp sách áo quần tinh tươm, là cuối tuần đi siêu thị, nhà banh, là đòi gì được đấy… Nhưng các em hơn trẻ em thành phố ở sự sẻ chia, nghe lời và biết điều. Trẻ em nào cũng cần lớn lên nhưng biết điều mới là thứ quan trọng! Các em biết và hiểu nhiều lắm! Các em được Sơ và Cha cho đi học ở trường nhà nước, được ăn ở lại trong trường nội trú, được dạy thêm, được học đàn, học hát, diễn kịch, múa… được sống có ích vì người bên cạnh. Thế nên khi nghĩ lại tôi không thích cách gọi ngôi nhà này là “Trường nội trú“, tôi thích gọi đó là GIA ĐÌNH! Vì chỉ có gia đình mới yêu thương và đùm bọc nhau nhiều đến thế! Tôi trở lại công việc thường ngày và giật mình nhận ra: Nếu cho đi là hạnh phúc thì tại sao cuộc sống hiện tại ít người muốn hạnh phúc đến thế? Tôi nghĩ về các Sơ, đó là sơ Phượng, là sơ Hiền, các Sơ chỉ xấp xỉ tuổi chị tôi và tôi. Chỉ là hai người phụ nữ bé nhỏ giữa điệp trùng đồi núi thôi mà sao lại kiên cường và nghị lực đến thế. Họ đã lấy gì, đã nghĩ gì, đã dùng phép thuật gì để lo lắng, bảo vệ, chăm sóc và dạy bảo 50 em bé người dân tộc mà một năm chỉ về thăm nhà 1,2 lần vì nhà quá xa và không ai đón? Đã làm sao để gồng gánh lo cho 300 em bé khác bữa sáng và trưa vì sợ nếu không được ăn thì các em sẽ bỏ học ngay tức khắc? Thì ra họ ngoài đức tin vào Chúa thì họ còn có trái tim bao dung và thương yêu của một con người! Một con Người thực thụ, không giống tôi, và chắc cũng không hoàn toàn giống bạn. Mình không muốn nói nhiều về sự đói khổ vật chất của trẻ em ở đây. Vì biết rằng nói sao cho hết, ngôn từ nào đủ diễn tả. Chỉ cần bạn đến đây và hỏi một em bé mắt bám ghèn, mũi chảy nước, da đóng vảy đang húp tô cơm chan mì của các sơ rằng: – Con ăn ngon không? – Có ạ! – Ở nhà con thường ăn gì? – Cơm độn bắp với ớt. – Ớt cay hả con? – Dạ! Ớt cay! Bạn sẽ hiểu vì sao bữa trưa ở đây diễn ra trong tích tắc, chỉ nhoắng 1-2 phút là các em đã “đánh chén” ngon lành khẩu phần của mình. Bạn sẽ hiểu vì sao khi tiếng trống trường vang lên, các em ào ào chạy tới nhà các Sơ, vứt ngay cặp sách trước cổng rồi tới ngồi ngay ngắn ở bàn. Nhưng các em không quên im lặng và đọc Kinh trước khi ăn. Dù các em đọc bằng thứ tiếng của dân tộc mình… Và đừng thắc mắc vì sao các Sơ không cho mấy bé ăn ngon hơn… Vì đơn giản chỉ có cơm chan mì, canh bí đỏ mới có thể nấu trong 365 ngày một năm và nhiều năm trước âm thầm, và nhiều năm sau nữa lặng lẽ! Bây giờ các bạn hãy tính xem một ly của bạn đáng giá bao nhiêu tô cơm chan mì nghiền rồi phải ko? Kontum- SG 28/3 Viết cho người _ những đóa hoa giữa núi Nồng Nàn Phố (Phạm Thiên Ý)
P/s: Từ ngày mai Phố sẽ nhét vào heo số tiền nhẽ ra đi cafe để dự tính lên đấy… Nấu cho các em một bữa cơm chan mì như thế thay các Sơ. Nguồn: dongten.net