Qua cách học và cách dạy hiện nay ta có cảm tưởng rằng mục tiêu của sinh viên là học để lấy bằngvà mục tiêu của các trường cũng là dạy để cấp bằng. Thực trạng đào tạo hiện nay phản ánh khá rõ cách hiểu sai về mục tiêu đào tạo. Vì hiểu mục tiêu đào tạo là có bằng nên hiện nay các trường chỉ cố gắng cung cấp một số lượng kiến thức nhất định đủ để cấp được bằng cho sinh viên. Chắc không ai tưởng tượng nổi là trong kỷ nguyên của tri thức, trong thời đại của internet, mà ở các trường đại học hàng đầu của thủ đô, khi đi ngang các lớp học, chúng ta vẫn nghe tiếng các giảng viên đọc chính tả cho sinh viên chép kiến thức!!! Ở đây chúng ta chưa bàn về chất lượng của kiến thức được đọc để chép, bởi vì, khi mục tiêu đã sai thì không cần bàn về chất lượngcủa công việc thực hiện mục tiêu nữa. Chúng ta phải giảng bài chứ không thể đọc bài giảng, nhất là trong việc đào tạo các doanh nhân.

Doanh nhân là những người có năng lực làm việc độc lập cao không cần ai phải đọc thay họ. Để sự nghiệp đào tạo có hiệu quả, ta phải làm cho người học và người dạy thấu hiểu mục tiêu đào tạo. Theo tôi mục tiêu đào tạo phải là học để có nghề và khi tốt nghiệp và khi tốt nghiệp phải có đủ năng lực để hành nghề. Còn văn bằng chỉ là chứng chỉ chứng tỏ đã học xong một nghề chứ không phải là mục tiêu đào tạo. Không nên lầm lẫn giữa mục tiêu và phương tiện.

Để làm tốt bất cứ công việc gì chúng ta cần có kiến thức, kỹ năng và thái độ. Trong ba tiêu thức trên kiến thức chỉ là thứ yếu, bởi vì, trong thời đại internet kiến thức là quá nhiều, tha hồ mà sử dụng. Nhân đây, ta cũng hiểu thêm về khái niệm người cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” của Bác Hồ. “Hồng” cần được hiểu là thái độ đối với công việc, đối với tập thể, đối với xã hội, chứ nhiều người chỉ hiểu “hồng” là tư tưởng. Còn “chuyên” cần được hiểu là kỹ năng chuyên môn chứ không phải chỉ là kiến thức, kiến thức không có kỹ năng chỉ là “màu xám” không mang lại hiệu quả cho công việc. Hiểu rõ mong muốn của Bác, chúng ta phải thay đổi ngay phương pháp giảng dạy để đáp ứng mục tiêu đào tạo là đào tạo ra các kỹ sư và cử nhân có năng lực làm việc với hiệu quả cao. “Vì lợi ích trăm năm trồng người”, đầu tư lớn nhất, ảnh hưởng nhiều nhất đến sự phát triển của đất nướclà đầu tư vào giáo dục và đào tạo. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân lãng phí là con người, chúng ta đang lãng phí 4 đến 5 năm ngồi ghế nhà trường của nhiều thế hệ sinh viên và sự lãng phí này ảnh hưởng kéo dài hàng trăm năm. Việc thay đổi ngay phương pháp giảng dạy là đòi hỏi cấp thiết nhất của quốc gia, nhất là chúng ta đang mong muốn đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế.

Vai trò của doanh nhân ngày càng được đánh giá cao trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Họ đã tạo ra của cải vật chất, tạo ra công ăn việc làm cho xã hội. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ với nhà nước, các doanh nhân còn trích một phần lợi nhuận của mình để làm nhà tình nghĩa, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, kiên cố hóa trường học… Họ luôn được báo chí ca ngợi vì các nghĩa cử cao đẹp nói trên. Ở đây ta cần bàn thêm về vai trò của doanh nhân trong việc đào tạo các doanh nhân mới lập nghiệp và các doanh nhân tương lai hiện đang ngồi trên ghế nhà trường.

Cổ nhân nói: “Nghe-quên, thấy-nhớ, làm-hiểu”. Vì vậy chỉ dựa vào các giảng viên của các trường đại học để đào tạo các doanh nhân thì khó mà thành công. Ta chưa bao giờ cầm vô lăng thì không thể dạy người khác lái ô tô. Nếu chưa làm doanh nghiệp mà dạy các giám đốc về kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng quản lý thì chắc chắn rằng hiệu quả sẽ rất thấp. Chính phủ và các ngành liên quan cần phải có chế tài để thu hút các doanh nhân tham gia trực tiếp vào công tác đào tạo. Một doanh nhân một ngày có thể thu nhập hàng ngàn USD, nếu đi dạy học thì khó ai có thể trả trên một triệu đồng một ngày. Đấy là chưa nói công chuẩn bị bài giảng, rồi còn phải học dạy mới dạy học được chứ. Các doanh nhân có thể bỏ ra hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng để làm công tác từ thiện. Vì vậy, trong lúc chờ có chế tài, một lần nữa lại phải cần đến trách nhiệm xã hội của các doanh nhân. Để đất nước phát triển nhanh hơn và để hàng ngũ doanh nhân ngày càng hùng mạnh hơn, chính các doanh nhân chúng ta phải có nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc đào tạo các doanh nhân tương lai.

Tiến sĩ Phan Quốc Việt

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN